Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Cơ hội xen lẫn thách thức

 Liên minh châu Âu ngày 9-7 vừa qua chấp nhận kết nạp Latvia vào Khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) kể từ ngày 1-1-2014. Với quyết định này, quốc gia nhỏ bé vùng Baltic đã trở thành thành viên thứ 18 của Eurozone. Tuy nhiên, niềm vui xen lẫn lo lắng khi Latvia phải đối mặt với nhiều thách thức với vai trò là thành viên chính thức của Eurozone. 


Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis tuyên bố, đây là tin vui cho Latvia và cho Khu vực đồng euro. Còn Bộ trưởng Tài chính Latvia Andris Vilks tin tưởng, Latvia sẽ nằm trong số những quốc gia sử dụng đồng tiền duy nhất châu Âu có tình hình kinh tế sáng sủa nhất. Đó là "nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất” và là "thị trường lao động phát triển nhanh nhất”. Tăng trưởng kinh tế của Latvia năm nay sẽ vào khoảng 3,8% và năm 2014 tăng lên 4,1%, theo như dự báo của Ủy ban châu Âu được công bố vào đầu tháng Năm.


Latvia đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 và trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với GDP tăng hơn 5%/năm trong hai năm 2011 và 2012. Ngày 4-3 vừa qua, Latvia chính thức đệ đơn xin gia nhập Eurozone.


Để được gia nhập Eurozone, Latvia đã phải vượt qua một loạt bài kiểm tra của EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như phải chứng minh rằng họ có khả năng kiểm soát lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ chính phủ, đồng thời phải giữ được tỷ giá đồng nội tệ so với đồng euro ở mức thấp. Theo nhận xét của các thanh tra EU và ECB, tình trạng tài chính của Latvia hiện tốt hơn khá nhiều so với các nước khác trong Eurozone chìm trong nợ nần như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Italia. Ngày 5-6, tức chỉ hơn ba tháng sau khi đệ đơn xin gia nhập Eurozone, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng ECB công nhận Latvia đã đáp ứng được các tiêu chí của Hiệp ước Maastricht, là những yêu cầu về tài chính và kinh tế vĩ mô đối với một nước xin gia nhập Eurozone.


Việc Latvia gia nhập vào Khu vực đồng euro đã được nhiều nhân vật có trách nhiệm của châu Âu hoan nghênh, coi đây là bằng chứng cho sự thu hút của đồng tiền duy nhất châu Âu cho dù đang gặp khủng hoảng, đồng thời hy vọng, việc Latvia gia nhập Khu vực đồng euro sẽ mang lại ổn định tài chính cho đất nước, kích thích đầu tư và loại trừ nạn đầu cơ tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, Jeroen Dijsselbloem nhận định, việc kết nạp Latvia vào Eurozone là kết quả của những nỗ lực cải cách kinh tế tài chính của Chính phủ nước này. Còn Chuyên gia kinh tế hàng đầu của EU, ông Olli Rehn nhấn mạnh việc Latvia trở thành thành viên thứ 18 của Eurozone chính là câu trả lời cho những ai còn nghi ngờ khả năng tồn tại của Khu vực đồng euro.


Tuy nhiên, rất nhiều người dân ngay trong chính quốc gia nhỏ bé này vẫn tỏ ra hoài nghi sự cần thiết phải gia nhập Eurozone ở thời điểm EU đang chìm trong nợ nần còn Chính phủ Latvia rơi vào khủng hoảng. Hiện tại, tình hình kinh tế của nhóm 17 quốc gia sử dụng đồng euro vẫn chưa được cải thiện là bao. Mặc dù liên tục thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, song các số liệu mới đây cho thấy Eurozone đang ngày một lún sâu hơn vào khủng hoảng, trong khi số nợ công thì ngày một nhiều hơn. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp ở châu Âu, đặc biệt là giới trẻ đang ngày một nghiêm trọng hơn. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Eurozone hiện nay là 12,2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đã vượt quá 50% ở một số quốc gia.


Dù thừa nhận còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song Bộ trưởng Tài chính Vilks tin tưởng, việc trở thành thành viên của Eurozone sẽ mang lại lợi ích trong trung hạn và dài hạn đối với những nước nhỏ như Latvia, đặc biệt là khi các nước láng giềng như Phần Lan và Estonia cũng đã gia nhập Eurozone từ năm 2011. Ông nhấn mạnh, Latvia cần học hỏi kinh nghiệm của hai nước này để đảm bảo "một sự chuyển đổi êm thấm” từ đồng tiền quốc gia lâu nay sang đồng euro./.


Châu Giang