Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Lỗ xoáy của doanh nghiệp cà phê

 (TBKTSG) - Dù đồng thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) trình Chính phủ gia hạn tín dụng xuất khẩu cho ngành cà phê, nhưng Bộ Tài chính cho rằng muốn giải quyết triệt để khó khăn cho ngành này thì việc kéo dài thời gian trả nợ không phải là lối thoát duy nhất. 

Ngọc Lan

Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) - Dù đồng thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) trình Chính phủ gia hạn tín dụng xuất khẩu cho ngành cà phê, nhưng Bộ Tài chính cho rằng muốn giải quyết triệt để khó khăn cho ngành này thì việc kéo dài thời gian trả nợ không phải là lối thoát duy nhất.

 >>> Buôn cà phê hay buôn rủi ro?  

 >>> Vị đắng  

Hai năm trở lại đây, bức tranh nợ xấu của các doanh nghiệp cà phê đã lan rộng, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Bộ NN&PTNN báo cáo Chính phủ thực trạng này trong một văn bản đề nghị bổ sung mặt hàng cà phê vào danh sách được giãn trả nợ vay tín dụng xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng. Lý do bộ đưa ra là các doanh nghiệp thiếu vốn, phải vay vốn với lãi suất cao (trung bình 17%/năm) nên không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp còn cho biết thậm chí có thời điểm họ phải vay với lãi suất 24%/năm nên lợi nhuận làm ra không đủ bù lỗ.

Thoạt nghe, những nhận định trên là có lý. Như tập đoàn Thái Hòa, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu mới hủy niêm yết trên sàn Hà Nội hôm 4-7 là một ví dụ. Báo cáo tài chính năm 2012 của Thái Hòa cho thấy doanh thu năm 2012 chỉ đạt 19,7 tỉ đồng (bằng 2% so với doanh thu năm 2011) nhưng họ phải trả lãi vay tới 72,3 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần số tiền thu về. Ngoài Thái Hòa, Vinacafe Buôn Ma Thuột và hàng loạt doanh nghiệp khác đều dính các khoản nợ quá hạn từ vài trăm tỉ đến vài ngàn tỉ đồng. Song, những người am hiểu ngành kinh doanh cà phê cho rằng, xét cho cùng lãi suất vay cao không phải là lỗ xoáy hút các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chết chìm hàng loạt.

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hầu hết đều tập trung vào ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê luôn là đối tượng được ưu đãi, vậy mà nhiều doanh nghiệp lại đứng trên bờ vực phá sản, tại sao?

Thực ra cho đến thời điểm này, Hiệp hội Cà phê và các cơ quan quản lý mới chỉ nắm được một phần bức tranh toàn cảnh về dư nợ của ngành cà phê.

So với nhiều ngành nghề kinh doanh khác, các doanh nghiệp cà phê không phải khó tiếp cận nguồn vốn. Bằng chứng là riêng dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu cà phê ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đến 31-5-2013 xấp xỉ 700 tỉ đồng (chiếm 7% tổng dư nợ), thì 56% tập trung vào hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa và Vinacafe Buôn Ma Thuột. Toàn bộ số dư nợ này là quá hạn. Chưa kể đến 5.634 tỉ đồng khác là nợ xấu mà các doanh nghiệp cà phê đang làm đau đầu các ngân hàng thương mại theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê.

Nhưng ngoài nợ xấu, không rõ tổng dư nợ của ngành cà phê tại hệ thống ngân hàng đến nay là bao nhiêu. Hiệp hội Cà phê cũng không cách nào thống kê được các khoản nợ vay ngân hàng của các công ty, đại lý thu mua cà phê, các hộ kinh doanh cá thể và một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê khác trong khi đây là mối quan hệ dây chuyền, phức tạp và đan xen trong toàn hệ thống. Vì vậy, khó khăn của doanh nghiệp này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp khác.

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hầu hết đều tập trung vào ngành kinh doanh chính. Giá cà phê dù lên xuống thất thường nhưng cung - cầu trong và ngoài nước luôn chuyển động mạnh, dòng tiền đi - về không bị tắc, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê luôn là đối tượng được ưu đãi (thuế xuất khẩu 0%, trong khi thuế nhập khẩu là 15-30% tùy loại). Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp lại làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất và rất nhiều trong số họ đứng trên bờ vực phá sản?

Một trong những lý do được Bộ Tài chính dẫn ra trong báo cáo gửi Chính phủ là thời hạn cho vay đối với mặt hàng cà phê thông thường từ 4-6 tháng tùy hợp đồng xuất khẩu. Tín dụng xuất khẩu đã cho phép doanh nghiệp vay tới 12 tháng nhưng doanh nghiệp vẫn không trả được nợ vì thiếu linh hoạt trong kinh doanh và dự báo, tình trạng găm hàng chờ giá, muốn giảm lỗ… khiến cho không có dòng tiền quay về và hàng tồn kho tăng cao dẫn đến việc doanh nghiệp không thể kiểm soát tình hình.

Ngay như Công ty Kiểm toán Thăng Long khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012 cho tập đoàn Thái Hòa cũng không thể tham gia kiểm chứng tiền mặt, hàng tồn kho của doanh nghiệp nên không biết được số lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp chính xác là bao nhiêu. Hay việc trích lập dự phòng hơn 54 tỉ đồng cho hơn 555 tỉ đồng giá trị hàng tồn kho có đúng với thực tế tại thời điểm trích lập hay không.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vay vốn xuất khẩu có xuất trình hồ sơ chứng từ cho các khoản vay tại VDB nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện như vậy. Do không có chứng từ nên việc kiểm soát nguồn vốn vay có sử dụng đúng mục đích không, cũng là một câu hỏi lớn.

Với tình trạng chung như vậy, việc giãn nợ cho doanh nghiệp cà phê vay tín dụng xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng, bằng cách sửa đổi Nghị quyết 02 của Chính phủ về hỗ trợ thị trường để bổ sung đối tượng này vào danh mục được giãn nợ là điều dễ thực hiện. Tuy nhiên, cách làm này cũng không thể giải quyết được tận gốc cái khó của cả một ngành hàng vì số nợ xấu tại VDB của ngành cà phê chỉ chiếm 11% tổng dư nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Ngoài việc đồng ý về chủ trương giãn nợ ở VDB, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giãn các khoản nợ khác cho doanh nghiệp cà phê để hỗ trợ ngành này mạnh hơn. Nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ.

Cái yếu nhất của doanh nghiệp cà phê được giới phân tích nhìn thẳng là năng lực quản trị, khả năng dự báo thị trường và năng lực quản trị dòng tiền, độ nhạy trong các quyết định kinh doanh kém, kể cả các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu. Không đầu tư ngoài ngành nhưng các quyết định đầu tư dàn trải, lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn dẫn đến mất khả năng trả nợ, đứng trên bờ phá sản như trường hợp Thái Hòa là điển hình.

Ở các doanh nghiệp khác như Vinacafe Buôn Ma Thuột, thực tế chính các quyết định kinh doanh không đúng thời điểm (thua kiện vụ bán 18.000 tấn cà phê của nông dân ký gửi ở thời điểm giá thấp và mua đền với giá cao), đầu tư vào các tài sản cố định dàn trải (xây các nhà máy công suất quá lớn, các kho ngoại quan lãng phí, không sử dụng), không có khả năng sinh lời đã khiến số nợ cũng vì thế mà tăng lên hàng ngàn tỉ đồng.

Với các yếu kém mang tính cố hữu và kéo dài của hệ thống các doanh nghiệp cà phê lớn như vậy, rất khó trông chờ vào sự xoay chuyển tình thế của một vài biện pháp giãn nợ hay chỉ trong thời gian ngắn.

Gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa được ban hành hôm đầu tuần này, Chính phủ đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá khó khăn, trở ngại hiện nay đối với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu; từ đó xác định đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 54/2013/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn để bổ sung mặt hàng cà phê và các mặt hàng nông sản xuất khẩu được xác định vào danh mục hỗ trợ, gia hạn thời gian vay tín dụng xuất khẩu.

Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho đối tượng kinh doanh cà phê và các mặt hàng nông sản xuất khẩu.