Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Nếu không có những mùa thi

 (GD&TĐ) - Tình cờ lật giở một cuốn tạp chí của Đại học Huế, tôi dừng lại ở bài viết “Tản mạn những kỳ thi” của Võ Ca Dao và bỗng thấy lòng bồi hồi khi đọc những dòng suy tưởng sau đây của tác giả: “Việc cân đo, đong đếm thực lực để phân định thắng thua giữa người này và người kia là việc của kỳ thi đại học, cao đẳng, những lựa chọn sinh tử là đây! Nên “biết người, biết ta” trăm trận trăm thắng. Chuyện “biết người” tưởng là mông lung, nhưng chính những chỉ tiêu tuyển sinh, những điểm số trúng tuyển của các kỳ thi trước là thước đo đầu tiên của chuyện “biết người”. 

  

Thí sinh trong phòng thi

Từ biết người chuyển sang biết ta, sức học ta như thế nào, hoàn cảnh ta ra làm sao và cả sự lựa chọn ngành này hay ngành kia để đi đến quyết định đầu đời đầy ý nghĩa.”. Phải chăng, do những dòng suy tưởng ấy đã bắt đúng mạch tâm trạng của chính tôi từ hàng chục năm về trước, trước ngưỡng cửa chập chững vào đời.

Những ngày này, hàng vạn thí sinh trong cả nước cũng đang trong tâm trạng hồi hộp đợi chờ kết quả kì thi tuyển sinh đại học năm 2013. Rồi sẽ có những niềm vui lẫn nỗi buồn, có nụ cười và nước mắt. Nhưng dẫu là vui hay buồn, là cười hay khóc thì đó cũng là những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò một đi không trở lại.

Thử hỏi, nếu cuộc đời của mỗi một con người nếu không có ước mơ, không có bất cứ một niềm tin, coi nào thì sẽ ra sao? ước mơ đẹp đẽ sáng trong nhất vẫn là ước mơ của tuổi học trò. Khi cổng trường khép lại cũng đồng nghĩa với việc phía trước các em mở ra con đường mới lạ của tương lai: là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, hay kỹ sư, bác sỹ…?

thế hệ của chúng tôi, lớp người đi trước sinh ra ở thời kỳ đất nước còn nhiều gian khó sau chiến tranh, không có được hoàn cảnh học tập đủ đầy, thuận lợi như các em bây giờ, nhưng cơ hội để chọn lựa ngành nghề lại không mấy khó khăn. Chỉ cần nuôi ý chí quyết tâm, là ước mơ dễ trở thành hiện thực. Còn hôm nay, trong giai đoạn quá độ của chuyển dịch về cơ cấu kinh tế đất nước, các em có quyền để lựa chọn nhiều con đường, nhưng giữa hiện thực và ước mơ có một khoảng cách xa, thật xa, đòi hỏi các em phải nuôi dưỡng ý chí, nghị lực nhiều hơn, đúng với ý nghĩa của câu ca: “lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay "con hơn cha là nhà có phúc".

Các em hãy tin và có quyền tin rằng: Dù khó khăn đến đâu, thế hệ cha anh sẽ không bao giờ bỏ mặc các em lẻ loi trong chính ước mơ, khát vọng của mình. Những ngày cả nước tiếp sức mùa thi vừa qua là bằng chứng! Tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà chuyên môn tập trung cho những đề thi chuẩn mực, sáng tạo, khoa học và đầy tính nhân văn ở mùa thi năm nay là bằng chứng! Các em đã được thi theo đúng nghĩa thi và trong tương lai rồi cũng được “cử” theo đúng nghĩa cử.

Măng mọc rồi mai ngày cũng sẽ thành tre, thành lũy. Rồi thế hệ của các em sẽ tiếp bước sự nghiệp của ông cha. Sẽ còn được những gì đáng lưu giữ nếu không có những mùa thi như thế?

 Hồng Thúy