Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Nga đau đầu vì 'chảy máu' tiền

 Báo "Izvestia" ngày 9/7 dẫn một nguồn tin thân cận với Ngân hàng Trung ương Nga (BR) tiết lộ Cơ quan giám sát tài chính Liên bang Nga ước tính kể từ đầu năm 2013, giá trị các khoản giao dịch bị nghi liên quan tới hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài ở nước này đã lên tới 1.500 tỷ rúp (45 tỷ USD), so với 1.000 tỷ rúp cùng kỳ năm trước. 

Báo "Izvestia" ngày 9/7 dẫn một nguồn tin thân cận với Ngân hàng Trung ương Nga (BR) tiết lộ Cơ quan giám sát tài chính Liên bang Nga ước tính kể từ đầu năm 2013, giá trị các khoản giao dịch bị nghi liên quan tới hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài ở nước này đã lên tới 1.500 tỷ rúp (45 tỷ USD), so với 1.000 tỷ rúp cùng kỳ năm trước.

Theo nguồn tin trên, đường đi của các khoản tiền "đen" này được thông qua các nước thuộc Liên minh Hải quan (CU), các nước Baltic, Cyprus, Thụy Sĩ, Anh, Hà Lan và Đặc khu Hành chính Hong Kong.

Ảnh minh họa.


Theo số liệu của BR, trong giai đoạn 1994-2012, nước Nga đã "chảy máu" 343,2 tỷ USD. Tính từ đầu năm 2013, các giao dịch bị nghi là chuyển tiền ra nước ngoài tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Các khoản giao dịch bị nghi ngờ này chủ yếu là của các tổ chức Nga chuyển cho những thực thể phi bản địa, mục đích không rõ ràng, và như vậy rõ ràng đã vi phạm luật thuế của Nga. Theo nguồn tin trên, đóng vai trò chính trong hoạt động chuyển tiền phi pháp là các công ty chỉ tồn tại một ngày.

Ngày 19/6, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Sergei Ignatiev tuyên bố tại Duma Quốc gia Nga rằng BR xác định được một mạng lưới các công ty mà trong giai đoạn 2010-2012 đã chuyển bất hợp pháp ít nhất 760 tỷ rúp ra khỏi Nga, vi phạm luật tiền tệ và luật thuế. Ông Ignatiev tuyên bố "có vẻ như mạng lưới các công ty một ngày này do một nhóm cá nhân kiểm soát". Theo số liệu của BR, lượng tiền các ngân hàng thương mại Nga giao dịch với các thực thể phi bản địa trong 5 tháng đầu năm 2013 ở mức 7.957 tỷ rúp.

Maxim Osadchiy - người đứng đầu bộ phận phân tích của ngân hàng BKF - nhận định vai trò của Cyprus như nước hàng đầu để chuyển tiền ra khỏi Nga đã giảm đáng kể sau cuộc khủng hoảng tại quốc đảo này. Hoạt động chuyển tiền ra khỏi Nga đã chuyển sang các khu vực khác.

Cụ thể, ở một mức độ đáng kể, Latvia đã thay thế Cyprus trong hoạt động chuyển tiền ra khỏi Nga. Ngoài ra, do áp lực của các cơ quan thuế Mỹ lên các nước ở châu Âu, như Thụy Sĩ, Luxembourg và Liechtenstein, dòng tiền bẩn ở Nga đã bắt đầu ngày càng chảy sang các khu vực không minh bạch ở châu Á, như Singapore và Hong Kong.

Theo Roman Konigsberg - Phó Giám đốc Ban kiểm toán ngân hàng của BKF - có thể nói sự gia tăng hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp làm tăng gánh nặng thuế cũng như các khoản chi tiêu ngân sách kiểm soát kém. Các ngân hàng dính líu tới hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp tại Nga có thể bị cơ quan quản lý trừng phạt nghiêm khắc. Mới đây, BR đã rút giấy phép của Ngân hàng Thị chính thành phố Makhachkala vì vi phạm Luật liên bang số 115 về chống rửa tiền. Tuy nhiên, Osadchiy cho biết một số ngân hàng ở Dagestan vẫn chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

BR đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Ngân hàng quản lý này đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đặc biệt quan tâm tới các khoản giao dịch có sự tham gia của các đối tác Belarus và Kazakhstan, cũng như cung cấp thông tin cho Cơ quan giám sát tài chính Liên bang và cơ quan quản lý của BR. Ngân hàng Trung ương Nga lo ngại về những khoản tiền được hợp pháp hóa thông qua các nước này bằng các chương trình nhập khẩu ảo.

BR cũng đưa ra một ý tưởng là thiết lập cơ cấu đặc biệt kiểm soát việc tuân thủ luật "chống rửa tiền" trong khuôn khổ Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan). Đề nghị này đã được cựu Thống đốc Sergei Ignatiev nêu ra hồi mùa xuân (thư đã gửi lên Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov).

Ngoài ra, các cơ quan thuế liên bang, Bộ Nội vụ và Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phối hợp để đưa ra một danh sách đen các doanh nghiệp liên quan tới hoạt động tài chính bất hợp pháp. Danh sách này sẽ được lưu trên trang web của BR để các ngân hàng thương mại có thể công khai truy cập.

Dmitry Dolgin - chuyên gia phân tích của Alfa Bank - cho rằng bất luận đường đi hay công nghệ được sử dụng để chuyển tiền bất hợp pháp như thế nào, thực tế tiền chảy khỏi Nga cho thấy tình trạng thiếu cơ hội đầu tư tại nước này, cũng như môi trường đầu tư khó khăn tại đây.

Theo ông, để giảm lượng tiền chuyển khỏi Nga, vốn ở mức ổn định từ 3-4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm, không chỉ đưa ra những hạn chế mới mà cần tạo ra những kích thích để dòng tiền đổ vào Nga, đó là nới lỏng các điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp nhỏ thông qua các biện pháp từ giảm bớt rào cản hành chính, sửa đổi thông lệ để bảo vệ lợi ích chủ doanh nghiệp tư nhân, cho tới việc tăng tính minh bạch của hoạt động hải quan.

TTXVN/Tin tức