Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Ở quê hương "vợ chồng A Phủ"

 Chi bộ bản Giàng có 23 đảng viên, thuộc đảng bộ xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La tặng bằng khen trong sạch, vững mạnh ba năm liền (2010-2012). Bản Giàng chính là nơi diễn ra câu chuyện trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Tại đây, chi bộ bản Giàng đã lãnh đạo nhân dân vượt khó vươn lên, xóa đói, giảm nghèo, với nhiều câu chuyện hích. 

 

 Chi bộ bản Giàng có 23 đảng viên, thuộc đảng bộ xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La tặng bằng khen trong sạch, vững mạnh ba năm liền (2010-2012). Bản Giàng chính là nơi diễn ra câu chuyện trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Tại đây, chi bộ bản Giàng đã lãnh đạo nhân dân vượt khó vươn lên, xóa đói, giảm nghèo, với nhiều câu chuyện hích. 

 

Đồng chí Đinh Văn Chiếng, Bí thư chi bộ bản Giàng, kể cho chúng tôi nghe lịch sử của bản: Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hơn chục hộ dân chạy giặc đã bám vào bờ con suối Sập dựng mường lập bản. Sau này, con cháu họ Đinh của người Mường lấy con cháu họ Lò của người Thái mới hình thành nên bản Giàng hôm nay. nên, bản Giàng là bản người Mường, nói tiếng Mường, nhưng có cả họ Lò, pha trộn văn hóa Mường - Thái. Năm 1995, thực hiện phân mốc địa giới hành chính theo Quyết định 364, bản Giàng chia làm hai, một phần bản cũ thuộc xã Sập Xa của huyện Phù Yên, còn 48 hộ dân bên này suối Sập được sáp nhập về xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên.

Hơn chục năm về trước, bà con dân bản Giàng chỉ biết "cạo núi" phá rừng làm nương, thế mà vẫn không đủ ăn. Bản Giàng khi ấy cơ sở hạ tầng đều là những con số không: Không có điện sáng, không đường, không trường học, không nhà văn hóa... lại bị ngăn cách bởi con suối Sập, nên lại càng khó khăn. Đồng chí Đinh Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, bấy giờ còn đang làm Bí thư chi bộ bản Giàng, cho biết: "Có lúc bản Giàng phải xin huyện cứu đói. Chúng tôi thật sự gặp khó khăn, bối rối trong phương hướng làm ăn. Chính vào lúc ấy, chi bộ tìm được đường đi cho bà con...". Chi bộ bản Giàng đã họp mở rộng, mời cả bản xin ý kiến bà con nhân dân. Có ý kiến cho rằng, bản Giàng rộng nhưng đất dốc, phá rừng mãi thành đồi núi trọc hết. Nước rừng đầu nguồn cũng không còn, cứ phá rừng thì chỉ có chết! Từ đó chi bộ bản Giàng ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế. Ban quản lý bản đã bổ sung vào hương ước, quy ước: Không được phá rừng đầu nguồn suối Lìn, suối Láo, không làm nương ngô lên tận đỉnh núi, khuyến khích bà con chuyển hướng sang mô hình trang trại, khoanh vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bây giờ mô hình ấy vẫn đang phát huy tác dụng, đó là: Khoanh nuôi bảo vệ rừng, lập trang trại phát triển chăn nuôi, trồng ngô, sắn lá tre và thâm canh lúa ruộng.

Hiện, bình quân một hộ gia đình ở bản Giàng có từ 10 đến 15 con trâu, bò, 10 con lợn, từ 50 đến 100 con gà. Mỗi hộ trồng từ 15 đến 20 kg ngô giống, thu hơn chục tấn ngô, chục tấn sắn tươi. Những thu nhập nêu trên dùng để tích lũy, đủ cho con cháu ăn học, trang trải sinh hoạt gia đình. Nhờ giữ được rừng, nước đầu nguồn lại về, bà con đào ao thả cá, khai hoang ruộng nước. Hiện, cả bản có hơn sáu ha ruộng hai vụ nên không còn lo thiếu ăn. Trong các mô hình làm ăn khá, phải kể đến gia đình Bí thư chi bộ Đinh Văn Chiếng, Trưởng bản Đinh Văn Ngọc, Chi hội trưởng phụ nữ bản Đinh Thị Huấn. Riêng gia đình ông Đinh Công Chính là hộ nuôi nhiều trâu, bò nhất, có suy nghĩ rất thực tế, rằng: Trước kia, chỉ lo làm nương, một ha ngô hay lúa nương giá trị cũng chỉ tương đương một con bò. Gia đình ông đầu tư hơn 20 triệu đồng mua dây thép gai, khoanh vùng lập trang trại chăn nuôi, lao động không tốn công sức, mà thu nhập tính ra tiền bằng mấy chục ha nương rẫy. Chúng tôi thầm nghĩ, nhận thức của bà con ở đây về sản xuất hàng hóa, tính toán làm ăn đã khác trước kia rất nhiều. Với bà con bản Giàng, từ chỗ phá rừng làm nương, phá vỡ môi trường sinh thái, thì nay đã biết bảo vệ rừng, tìm được mô hình sản xuất khép kín, phát triển bền vững.

Nói về chuyện bảo vệ rừng, trồng rừng, Bí thư chi bộ Đinh Văn Chiếng cho biết, bản Giàng cũng có nhiều kỷ niệm. Ấy là vào năm 2011, bản Giàng được huyện chọn thực hiện dự án KFW7 trồng rừng, nhiều người không hiểu, cho rằng rừng tự mọc, cứ khoanh nuôi bảo vệ là được. Nhưng khi giải thích: Rừng khoanh nuôi vẫn phải bảo vệ, rừng này trồng cây có giá trị, vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế. Trong sáu năm đầu trồng rừng, được dự án cung cấp giống, chi trả tiền chăm sóc bình quân từ 8,5 đến 10 triệu đồng/năm. Sau này khi rừng lên tốt, diện tích ấy thuộc về bản, giao cho gia đình quản lý, khai thác. Năm 2012, cả 48 hộ dân bản Giàng đều tham gia dự án, trồng được 30,5 ha cây lát hoa. Hợp đất và khí hậu, mới một năm rừng lát đã xanh rì, cây lát giống ngày nào chỉ cao 50 đến 60 cm, nay đã cao vượt đầu người. Đến thăm gia đình đảng viên Lò Văn Nguyễn, người được dự án giao làm vườn ươm kể: "Mấy hôm Tết vừa rồi, mọi người còn đang mải uống rượu, em đã lo ươm cây, để Bây giờ kịp có cây giống trồng rừng". Vụ trồng rừng năm nay, bản Giàng đã giao đất, đợi mưa để trồng tám ha rừng lát nữa. Từ một vùng toàn đồi núi trọc, nay bản đã có 69 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, gần 40 ha trồng rừng dự án, diện tích này vài năm nữa sẽ còn tăng thêm, đem lại mầu xanh, sự sống cho bản Giàng.

Bản Giàng có lúc lâm vào ngõ cụt, bị cô lập bên kia con suối Sập, đến thăm bản hôm nay, chúng tôi được đi trên cây cầu treo vững chãi. Bản Giàng đã có đường ô-tô đến bản, có điện thắp sáng, trường học và nhà ở công vụ cho ba mới khánh thành. Ngoài các công trình đầu tư theo chương trình, dự án của Nhà nước, năm 2012 dưới sự lãnh đạo của chi bộ, tuyên truyền vận động của mặt trận và các đoàn thể, bà con bản Giàng còn đóng góp hơn 100 triệu đồng dựng nhà văn hóa bản bằng gỗ, khang trang, rộng rãi làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Phát huy chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tới đây huyện hỗ trợ vật liệu, bà con góp công sức sẽ làm đường nội bản. Mọi việc của bản đều được công khai, bàn bạc kỹ nên việc gì cũng dễ dàng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Thăm bản Giàng hôm nay không còn nghèo đói, không có người nghiện, không còn hủ tục lạc hậu. Bản Giàng có thêm nhiều rừng, có đời sống ấm no, hạnh phúc, có an ninh trật tự ổn định, có đủ hạ tầng, thiết chế văn hóa, người dân sống với nhau có nghĩa tình...

Trước khi chia tay bà con bản Giàng, chúng tôi được nghe các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy thông báo: Bản Giàng là một trong bảy đơn vị tiêu biểu toàn quốc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nhận thư khen của Tổng Bí thư. Kết quả đó có được là nhờ vào sự lãnh đạo của chi bộ bản Giàng. hôm nay, người ta biết đến bản Giàng là nơi của câu chuyện "Vợ chồng A Phủ" và còn biết đến những đổi thay trên quê hương cách mạng ấy đang ngày càng ấm no, hạnh phúc và yên vui.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN