Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

"Ôm USD lúc này quá nhiều rủi ro"

 Là chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng, đồng thời là người trong cuộc, ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT độc lập OceanBank nói rằng, đầu tư USD kiếm lời lúc này rất nhiểu rủi ro. 

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

 Thị trường ngoại hối vừa có những ngày xáo động, tỷ giá có xu hướng tăng, đặc biệt trên thị trường tự do. Có ý kiến cho rằng, không loại trừ nguyên nhân từ hiện tượng đầu cơ, làm giá. Là người trong cuộc, ông nghĩ sao? 

Đúng là những ngày qua tỷ giá tăng nhiệt, ngân hàng tăng giá mua bán USD lên mức kịch trần suốt tuần qua, trên thị trường tự do dường như có hiện tượng tỷ giá vượt ra khỏi quy định của NHNN... Đây là điều rất đáng quan tâm lúc này, nhất là sau khi NHNN tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng cách đây ít hôm.

Theo tôi, nguyên nhân trước hết phải kể đến khả năng đầu cơ làm giá của một số tổ chức kinh tế và cá nhân. Một số tổ chức kinh tế thấy rằng, áp lực lên tỷ giá tăng, họ gom USD lại, tạo ra một mức cầu ảo, đẩy tỷ giá lên.

Bên cạnh đó, những tháng qua, một lượng vàng rất lớn được bán ra thị trường. Theo tôi, lượng vàng đó không chỉ lấy từ dự trữ quốc gia mà phải nhập khẩu. Do đó, phải dùng lượng ngoại tệ khá lớn để mua về.

Ngoài ra, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đưa đến vấn đề nhập siêu, phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ. Mặc dù, những yếu tố vĩ mô chưa đủ mạnh tạo nên áp lực tỷ giá, nhưng cộng hưởng với yếu tố tâm lý, nên tạo áp lực đến tỷ giá.

Tóm lại, tôi nhấn mạnh yếu tố tâm lý và đầu cơ làm giá đang gây ảnh hưởng lớn đến tỷ giá.

Tỷ giá tăng lên kịch trần

 Có ý kiến cho rằng nguyên nhân giá USD được đẩy lên trong thời gian gần đây là do việc điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% cách đây ít ngày? 

Như NHNN đã cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Theo tôi, ngoài yếu tố cung cầu, sự điều chỉnh đó mang tính chất định hướng nhiều hơn.

Tuy nhiên, động thái điều chỉnh tỷ giá của ngân hàng Trung ương cũng có thể gây tâm lý đầu cơ, tích trữ... đẩy tỷ giá lên.

 Thưa ông, tỷ giá căng thẳng như hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế và cuộc sống người dân? 

Tỷ giá tăng sẽ làm cho giá cả hàng hóa nhập khẩu đội lên, và giá cả hàng hóa trong nước cũng sẽ tăng lên. Nếu không kiềm chế được tỷ giá, có thể gây bùng nổ lạm phát.

Với dân chúng, trong lúc kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất của nhân dân.

 Vàng và USD là hai thứ hàng hóa dễ dẫn dắt người dân vào buôn bán bầy đàn. Hiện nay, với những người vội vàng đi mua USD tích trữ và găm giữ, ông khuyên họ điều gì? 

Nếu người dân có nhu cầu giữ USD hay vàng như tài sản tích lũy... hoàn toàn chính đáng và được luật pháp công nhận như những tài sản khác.

Nhưng, kinh doanh USD để kiếm lời, trên phương diện thương mại, tài chính đây là sản phẩm rất nhiều rủi ro và có thể đưa đến sự thiệt hại cho người dân. Nhất là thời điểm này, thị trường có nhiều xáo động và hàm chưa rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Bởi tỷ giá có thể thay đổi rất bất thường.

Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh không được Nhà nước khuyến khích.

 Như ông nói, hiện nay tỷ giá cao có nguyên nhân từ đầu cơ, làm giá. Vậy, làm sao để ngăn chặn hiện tượng này? 

Trước hết, ngân hàng Trung ương bắt đầu kiểm soát từ các ngân hàng thương mại, không để các ngân hàng mua bán USD với giá vượt trần 1% trên giá quy định 21.036 VND/USD.

Ngân hàng Trung ương cũng có thể can thiệp vào thị trường bằng nguồn dự trữ ngoại hối; Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt các điểm giao dịch goại tệ bất hợp pháp, ngăn chặn thị trường chợ đen nở rộ.

Ngân hàng Trung ương nên có thông tin cập nhật hơn với dân chúng về dự trữ ngoại hối và có nhận định để người dân nắm bắt kế hoạch thực hiện kiểm soát tỷ giá.

 Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm. Ông nhìn nhận thế nào về khả năng này? 

Hiện tại, NHNN có lượng dự trữ ngoại hối khá dồi dào, đủ khả năng can thiệp thị trường để giữ tỷ giá. Vấn đề ngân hàng Trung ương có linh hoạt để theo điều kiện thị trường hay không, cái đó cần chờ xem.

Bởi từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động ảnh hưởng đến tỷ giá. Ví dụ giá vàng trên thế giới xuống, nghĩa là đồng USD mạnh hơn, gây áp lực lên tiền đồng của Việt Nam. Nếu đồng USD lên giá, thì VND cũng phải lên theo.

Cần lưu ý, thời điểm cuối năm bao giờ cũng là thời điểm tỷ giá căng thẳng nhất vì phải trả nợ nước ngoài, nhập hàng hóa phục vụ nhu cầu tết...

 Xin trân trọng cảm ơn ông!