Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Nét đẹp trong đám cưới của người Cờ Lao

Kèn đực và kèn cái là loại nhạc cụ thường được thổi trong các đám cưới của người Cờ Lao.

Người Cờ Lao xã Túng Sán cho rằng, cưới hỏi là điều kiện để duy trì nòi giống, việc làm bắt buộc của mỗi người khi đến tuổi trưởng thành và sự lựa chọn hôn nhân là quyền của đôi trai gái. Vào những dịp cuối năm, các chàng trai, cô gái người dân tộc Cờ Lao đến tuổi trưởng thành thường dành thời gian rỗi, nhất là những đêm mưa gió, để tìm đến nhà nhau tâm sự và hát giao duyên, nhiều khi thâu đêm suốt sáng. Thường sau khoảng một tuần trăng thì người con gái mới nhận lời tỏ tình của người con trai. Đến mùa xuân năm sau, khi được sự đồng ý của đôi trai gái thì gia đình nhà trai mang lễ vật gồm một bao thuốc lá hoặc một bó thuốc lá tự trồng đến xin bố mẹ cô gái cho hai người chính thức được đi lại tìm hiểu nhau. Bố mẹ cô gái gọi con gái đến và hỏi ý kiến trực tiếp, nếu cô gái đồng ý thì nhà gái cho phép nhà trai được tiến hành các bước tiếp theo, trong đó điều quan trọng nhất là thống nhất thời gian nhà trai đến ăn hỏi chạm ngõ.

Đến ngày ăn hỏi như hai nhà đã thống nhất, nhà trai mang khoảng 5kg gà và 5 ống gạo đến nhà gái để ăn hỏi. Thành phần gồm có: Bố mẹ, chú rể và một thành viên trong gia đình (thường là em gái chú rể). Khi đến nhà gái, nhà trai tự mổ gà nấu cơm cùng nhà gái ăn cơm, vừa ăn vừa bàn thời gian tổ chức đám cưới và các lễ vật nhà trai phải đem đến nhà gái trong ngày cưới (bữa cơm này có cả anh em chú bác nhà gái đến dự và bàn bạc). Sau bữa cơm này thì đôi trai gái đã được coi như là vợ chồng.

Trước ngày cưới một ngày, nhà trai thành lập một đoàn gồm 10 - 15 người, trong đó, bà mối làm trưởng đoàn (nếu không có bà mối thì chú ruột hoặc một người trong họ tộc có khả năng giao tiếp làm trưởng đoàn) để mang lễ vật đến nhà gái làm thủ tục xin dâu. Thành phần này không có chú rể hoặc bố mẹ chú rể. Khi đoàn đón dâu đến, nhà gái tổ chức đón nhận lễ vật và lá thư viết trên tờ giấy đỏ của bố mẹ chú rể. Nội dung thư thống nhất thời gian đưa đón dâu đúng giờ đã định. Sau bữa cơm tối, bà mối thắp hương cắm lên bàn thờ nhà gái và vái 3 vái, sau đó đến lượt cô dâu thắp hương và vái tổ tiên, vái xong, cô dâu rót lần lượt 4 chén rượu hoặc trà pha đường để bố mẹ cô dâu đi mời khách dự lễ cưới theo thứ tự vai vế và tuổi tác từ trên xuống dưới, sau đó đến lượt cô dâu đi mời và xin bố mẹ, ông bà, chú bác dạy bảo lần cuối trước khi về nhà chồng, đồng thời nhận tặng phẩm của mọi người.

Đến hôm sau, đoàn đón dâu rước cô dâu về nhà trai. Trên đường đi về nhà chồng, cô dâu được phù dâu che bằng một chiếc ô phía trên có bọc một lớp vải màu đỏ. Khi đoàn đưa dâu sắp về đến cửa thì thầy cúng sắp một mâm gồm một chai rượu, 3 chiếc chén, 3 nén hương và một con gà trống để cúng đuổi tà ma. Sau khi thầy cúng làm lễ đuổi tà xong thì cô dâu được vào nhà và chủ nhà - thường là bố đẻ chủ rể - thắp hương cho con trai vái tổ tiên, trong khi cô dâu ngồi bên cạnh (vị trí ngồi của cô dâu căn cứ theo tuổi, nếu hợp hướng nào thì ngồi về hướng đó).

Sau khi chú rể vái tổ tiên xong, cô dâu được phù dâu và bà mối đưa vào buồng nhận buồng cưới. Ngay sau đó, các hoạt động ăn uống, hát hò được diễn ra và kéo dài đến tối. Trong lúc ăn, mọi người thường hát những bài hát truyền thống như: Mời rượu, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài; Sáng cố (kể về nguồn gốc loài người)... Và các bài hát đối được ứng tác tại mâm rượu. Lúc này, bà mối thắp hương cắm lên bàn thờ và vái 3 lần, sau đó, chú rể thắp hương, vái tổ tiên rồi rót lần lượt 4 chén rượu hoặc trà pha đường để bố mẹ đi mời khách dự lễ cưới theo thứ tự vai vế và tuổi tác từ trên xuống dưới. Sau đó đến lượt chú rể cùng cô dâu đi mời giống như cô dâu đã làm ở nhà gái và xin bố mẹ, ông bà, chú bác dạy bảo những điều hay lẽ phải và nhận tặng phẩm của mọi người tặng cho đôi trai gái, nhiều ít tùy tâm mỗi người.

Ngày nay, mặc dù tình trạng lãng phí, ăn uống linh đình trong cưới xin có chiều hướng khá phổ biến ở nhiều nơi, nhưng đám cưới của người Cờ Lao xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì vẫn được tổ chức đơn giản và đầy ý nghĩa như xưa. Đây cũng là một trong những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà chúng ta cần bảo tồn và lưu giữ.

Trần Chí Nhân

Email Print Góp ý